Rượu, bia và tai nạn giao thông! - ViSafe - Ứng Dụng Thuê Tài Xế Lái Xe Hộ

(ĐCSVN) – Như một điệp khúc, mỗi kỳ nghỉ lễ, những con số đau lòng về số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông liên tục được công bố, trở thành nỗi ám ảnh nhức nhối cho xã hội.

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ngày 1/5 làm chết 2 người tại đường hầm Kim Liên, Hà Nội. (Nguồn: baogiaothong.vn)

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2019, bình quân mỗi ngày có gần 20 người chết vì tai nạn giao thông. Đó là con số do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cung cấp. Thông tin về những cái chết đột ngột luôn để lại đau thương quá lớn cho người thân, gia đình các nạn nhân và gây sốc cho cộng đồng.

Tại sao tai nạn giao thông thường tăng vào những dịp nghỉ lễ?

Đã có không ít những phân tích của nhà chức trách, các chuyên gia và báo chí đề cập về vấn đề tai nạn giao thông ở Việt Nam. Các nghiên cứu, phân tích chỉ ra rằng: Có nhiều nguyên nhân, gồm cả khách quan và chủ quan. Song nguyên nhân chủ quan được đề cập nhiều hơn cả. Tất nhiên nguyên nhân khách quan do hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ phát triển của xã hội, chưa đáp ứng nhu cầu giao thông của người dân cũng không thể xem nhẹ. Ở bài viết này chỉ tiếp cận ở góc độ chủ quan là chính, đó là văn hóa và ý thức tham gia giao thông của cộng đồng chưa cao, là hành vi coi thường pháp luật hoặc các biện pháp răn đe của pháp luật chưa đủ nghiêm dẫn đến không ít người tham gia giao thông vẫn còn coi thường tính mạng của chính mình và người khác… Trong đó, vấn đề rượu, bia là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn giao thông, hành vi uống rượu bia mà vẫn tham gia giao thông là tội ác, “ma men” đã cướp đi mạng sống của không ít các nạn nhân, đó là một khẳng định không thể phủ nhận.

Kinh nghiệm 13 năm “ôm” vô lăng đã trở nên vô nghĩa bởi mấy chai bia, đó là lời thú nhận muộn màng của lái xe Lê Trung Hiếu – người gây ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vào 0h10’ ngày 1/5 tại đường hầm Kim Liên, Hà Nội làm chết 2 người. Lái xe gây ra vụ tai nạn này thừa nhận đã uống bia trước khi gây họa, cơ quan chức năng đã đo được nồng độ cồn của lái xe này là 0,751 mg/lít khí thở. Trước đó, vào rạng sáng ngày 29/4, Bệnh viện Việt Đức Hà Nội đã tiếp nhận 2 nam thanh niên người nước ngoài vào cấp cứu vì tai nạn giao thông, nguyên nhân được xác định là do rượu bia, 2 nam thanh niên uống bia rượu rồi tham gia giao thông và bất ngờ đâm vào xe ô tô dừng đỗ ven đường dẫn đến tai nạn. Tương tự, là những cái chết thương tâm bởi tai nạn giao thông xảy ra ở các địa phương trên cả nước trong kỳ nghỉ lễ vừa qua mà nhiều vụ có liên quan đến rượu, bia như báo chí đã đề cập.

“Chết nhiều quá!” là câu than cửa miệng của không ít người về hiện tượng tai nạn giao thông trong những ngày nghỉ lễ… Quả là rất đáng lo ngại về số người chết vì tại nạn giao thông ở Việt Nam, bởi nó được cho là nhiều hơn cả số người chết vì chiến tranh xảy ra ở một số nước hiện đang có chiến tranh, khoảng 15.000 người tử vong vì tai nạn giao thông mỗi năm ở Việt Nam. Con số này thật khủng khiếp, thật đau xót, đây là sự mất mát quá lớn về người và của đối với các gia đình những nạn nhân cũng như xã hội. Rất có thể, trong những nạn nhân xấu số, có lẽ, họ cũng đã từng phải thốt lên về những cái chết vì tại nạn giao thông đã xảy ra ở những kỳ nghỉ lễ trước khi họ gặp nạn, và nỗi ám ảnh về tai nạn giao thông thì vẫn còn đó, bởi những ngày nghỉ, kỳ nghỉ thì vẫn sẽ diễn ra như thường lệ.

Luôn có mặt ở Top đầu về số người chết do tai nạn giao thông cũng như vấn đề sử dụng rượu bia, đồng thời, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về số người chết do va chạm trên đường, với tỷ lệ 26,1/100.000 người. Thống kê cho thấy, trong năm 2018 có 24.970 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông ở Việt Nam. Còn vấn đề rượu, bia, quả thực, không quá khi nói: “Việt Nam đang là một cường quốc về sử dụng rượu, bia”. Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ hai khu vực Đông – Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Những con số thống kê làm chúng ta không khỏi giật mình. Vì rượu bia và tai nạn giao thông dường như có liên quan mật thiết với nhau. Thống kê cho thấy những nạn nhân nhập viện do tai nạn giao thông phần lớn là nạn nhân của đối tượng sử dụng rượu, bia hoặc trước đó có sử dụng rượu, bia.

Mặc dù quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã được đưa vào Luật Giao thông đường bộ, tuy nhiên, việc tuyên truyền, phòng, chống vi phạm nồng độ cồn hiệu quả chưa cao do thói quen uống rượu bia của người dân khá phổ biến. Đặc biệt vào mỗi dịp lễ, Tết. Những kỳ nghỉ dài ngày là cơ hội để tụ tập, nào là họp lớp, họp hội đồng niên, đồng hương… gặp nhau thì đa phần lần nào cũng rượu, cũng bia… và tất nhiên, hậu quả của nó là những hành vi khó kiểm soát do đã say xỉn dẫn đến những tai nạn thương tâm như đã nêu trên.

Làm gì để ngăn chặn vấn nạn rượu, bia nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông?

Thiết nghĩ, phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện truyền thông kết hợp với sự giáo dục của các cấp, các ngành, các đoàn thể, nhà trường và gia đình để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tham gia giao thông của cộng đồng, đặc biệt là với thanh niên. Đồng thời phải có những biện pháp, chế tài xử phạt nặng đối với các hành vi vi phạm luật an toàn giao thông. Cần tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, nhất là áp dụng hình thức phạt tù giam, tịch thu phương tiện với người lái xe sau khi uống rượu. Nếu lái xe là người nước ngoài vi phạm thì có thể sẽ bị trục xuất. Chỉ khi có chế tài nghiêm khắc, người điều khiển phương tiện mới không dám vi phạm./.

Ngoài ra có rất nhiều ứng dụng công nghê hỗ trợ nếu chung ta không đủ tỉnh táo để tự lái xe về. ” BẢO VỆ MÌNH LÀ BẢO VỆ XÃ HỘI”
Theo BDTDCSVN