Nhà hàng, quán nhậu rục rịch “phương án” níu khách - ViSafe - Ứng Dụng Thuê Tài Xế Lái Xe Hộ

TTH – Những ngày đầu thực hiện Nghị định 100/2019 NĐ-CP, vào buổi chiều tối, các nhà hàng, quán nhậu ở TP. Huế và các vùng lân cận thưa khách hẳn do tâm lý sợ bị xử phạt nồng độ cồn. Một số nhà hàng, quán nhậu rục rịch “lên phương án” níu khách.

CSGT TP. Huế tăng cường kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông

Khách giảm

17 giờ chiều 6/1, nhà hàng XD. trên đường Lê Minh, phường An Đông (TP. Huế) chỉ 1 bàn có khách. Thường vào thời điểm này, nhà hàng này có từ 5 đến 7 bàn có khách trở lên. “Tâm lý ngại nhậu ở nhà hàng, quán nhậu khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia được triển khai là một thực tế. Lượng khách đến nhà hàng giảm, chỉ còn 1/3 đến 1/2 so với trước đây”, chị Lê Anh Đ, chủ nhà hàng XD. chia sẻ.

Hơn 18 giờ, nhiều nhà hàng trên đường Lê Minh như: BX, GP, HL…cũng rơi vào cảnh tương tự. Nhiều nhân viên sắp hàng trước nhà hàng, đứng dọc tuyến đường để ngóng đón khách, nhưng có rất ít khách đến. Có nhà hàng chỉ được 1 đến 2 bàn có khách, nhưng cũng có nhà hàng chưa có một khách nào.

Nhân viên nhà hàng BX chia sẻ: “Khi chưa có việc xử lý mạnh tay người uống rượu bia, khách đến thường xuyên. Nay, mỗi đêm nhà hàng có rất ít khách. Nếu có, khách cũng chỉ dùng rất ít chất có cồn, nên doanh thu của nhà hàng chắc chắn giảm”.

Nhà hàng B. ở khu vực Kiểm Huệ (TP. Huế) là một trong những địa chỉ được nhiều thực khách lựa chọn nên rất đông khách. Mỗi đêm, nhà hàng đón một lượng lớn khách địa phương và ngoài tỉnh đến ăn uống. Thế nhưng, đã hơn 19 giờ, nhà hàng này cũng chỉ có khoảng 5 bàn có khách. Chủ quán B. trò chuyện: “Khách vắng đi rất nhiều. Trước đây, họ ngồi đến 21 – 22 giờ tối mới về, nhưng nay, chỉ hơn 20 giờ là họ đã nhờ lễ tân nhà hàng gọi giúp taxi để chở về rồi”.

Nhiều nhà hàng, quán nhậu ở vùng ven dọc các trục đường của các xã Thủy Vân (Hương Thủy), Phú Mỹ, Phú Thượng (Phú Vang)… cũng rất ít khách. Ngay như trục đường Trịnh Công Sơn, TL10, cầu vượt Thủy Dương…vốn lâu nay sôi động, giờ lượng khách cũng giảm đi rất nhiều.

Taxi, grab tăng chuyến

Ngược lại với hình ảnh khá ảm đạm ở các nhà hàng, quán nhậu vì vắng khách thì các hãng taxi, người chạy grab lại có dịp tăng chuyến so với ngày thường. Trò chuyện với nhiều người chạy xe grab, họ cho biết, trên địa bàn TP. Huế hiện có khoảng 1.000 người chạy xe grab. Trước đây trung bình mỗi đêm chạy từ 10 “cuốc” thì nay tăng lên 12 đến 15 “cuốc”. Trong số đó, có không ít người đi nhậu, đi ăn đám cưới có sử dụng nồng độ cồn đều gọi grab để chở về. Tuy chạy nhiều “cuốc” nhưng số tiền cước không tăng mà giữ nguyên như cũ.

“Trưa 6/1, lúc 12 giờ 30 phút, em chở một khách ăn cưới tại khách sạn Century về bến xe phía Nam. Từ khi tăng cường xử phạt vi phạm nồng độ cồn đến nay em đã chở được 2 khách hàng có sử dụng nồng độ cồn”, người chạy xe grab tên Đỗ Văn T. trú tại đường Bạch Đằng, phường Phú Hiệp (TP. Huế) cho biết.

21 giờ, trước các nhà hàng, quán nhậu có không ít xe taxi dừng đỗ chờ đón khách. Nhiều người sau khi ăn nhậu xong chỉ việc “vẫy tay” gọi taxi là có ngay. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, không phải ai cũng chi tiền để đi taxi sau khi sử dụng rượu, bia. Thường thì nhóm gia đình hoặc khách đi nhiều người ngồi cùng một bàn mới sử dụng xe taxi để về nhà. Với những khách lẻ, 1 đến 2 người,  phương tiện mà họ lựa chọn chính là grap.

Ông Nguyễn Tiến Đường, Giám đốc Công ty TNHH Taxi Thành Công cho biết: “Tuy có tăng chuyến hơn trước, nhưng giá cước taxi không có gì thay đổi. Chúng tôi rất mong sau khi sử dụng rượu, bia người dân lựa chọn phương tiện taxi hoặc phương tiện nào thật an toàn để về nhà, vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa đảm bảo tính mạng cho bản thân”.

Ủng hộ chủ trương và tìm cách “níu” chân thực khách

Qua trò chuyện với nhiều người, nhất là những người kinh doanh nhà hàng, quán nhậu, hầu hết họ ủng hộ chủ trương xử phạt nặng người sử dụng nhiều rượu, bia nhưng vẫn cố tình điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

“Lượng khách đến với nhà hàng, quán nhậu giảm là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, nếu xử lý nghiêm túc, triệt để thì tai nạn giao thông sẽ giảm và sẽ không còn những vụ đau lòng, thương tâm do nồng độ cồn gây ra”, chị Lê Anh D., chủ quán nhà hàng XD trải lòng.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu lại mức xử phạt và chỉ cần xử lý những người sử dụng rượu bia say xỉn, còn những người uống ít vì những lý do khách quan thì cũng nên tuyên truyền, nhắc nhở là chính.

Nhiều chủ nhà hàng, quán nhậu lớn cho biết, họ cũng đã và đang tìm giải pháp để “níu” chân thực khách. Có thể là liên kết với xe grab hoặc taxi để thường xuyên chở khách về theo yêu cầu. Cũng có chủ nhà hàng đưa ra giải pháp là tính toán đến việc trích lại % hóa đơn trả tiền cho thực khách để thực khách có tiền đi taxi hoặc grab. Mục tiêu cuối cùng là làm sao để có khách đến nhà hàng, quán nhậu, nhưng vẫn đảm bảo an toàn khi di chuyển về nhà.

“Cử nhân viên chở khách về nhà, giữ xe qua đêm và phối hợp với các hãng taxi, grab đưa đón khách. Sau khi khách nhậu ở quán, nhân viên sẽ đến gặp, tư vấn quán có dịch vụ đưa khách về bằng chính xe của khách hoặc xe của nhà hàng để đảm bảo khách được trở về nhà an toàn sau khi sử dụng rượu bia là những cách làm ở các địa phương khác cần nghiên cứu”, chủ nhà hàng DM. trên đường Lê Lợi cho biết.

“Sau 1 tuần Nghị định 100/2019/NĐ-CP về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” có hiệu lực, nhìn chung, người tham gia giao thông đã ý thức hơn trước. Để đảm bảo an toàn, người tham gia giao thông cần tự nâng cao ý thức chấp hành đúng các quy định về Luật Giao thông đường bộ, nhất là không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện”, Trung tá Nguyễn Hoàng Vũ, Đội trưởng Đội CSGT–Trật tự Công an TP. Huế lưu ý.