Sau khi xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại Bắc Giang vào đêm 2/6 khiến 3 người tử vong, vì vi phạm uống rượu bia. Nhiều ý kiến tiếp tục đề xuất phải xử lý hình sự với hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng dù chưa gây tai nạn nhằm ngăn ngừa sớm các vụ TNGT có thể xảy ra.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Nguyễn Đức Thịnh (SN 1987, trú tại phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang) – người điều khiển chiếc ô tô gây tai nạn khiến 2 vợ chồng và bé gái tử vong xảy ra đêm 2/6 vừa qua.
Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định, trước khi gây tai nạn, tài xế Nguyễn Đức Thịnh điều khiển ôtô tham gia giao thông khi trong hơi thở có nồng độ cồn ở mức 0,604mg/lít khí thở, gấp 1,5 lần mức tối đa theo quy định.
Đáng chú ý, dù các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, song tình trang này vẫn diễn biến phức tạp.
Theo Cục CSGT, chỉ tính từ 1/3 đến 1/6, lực lượng CSGT cả nước đã phát hiện, xử lý 62.500 trường hợp vi phạm. Trong đó có 61.970 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm gần 10%). Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho rằng, tình trạng vi phạm nồng độ cồn không chỉ có nguy cơ mất an toàn giao thông, mà còn để lại bức xúc trong dư luận:
“Vấn đề nồng độ cồn cũng là vấn đề gây ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng và gây bức xúc trong xã hội. không những tai nạn cho bản thân những người đó, mà hậu quả xã hội từ vi phạm nồng độ cồn với xã hội và với ATGT rất lớn”, Đại tá Đỗ Thanh Bình nói.
Trước thực trạng này, mới đây, tại hội thảo do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức, một số chuyên gia đã kiến nghị sớm có hướng dẫn xử lý hình sự lái xe vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng kể cả khi chủ thể chưa gây hậu quả.
TS. Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, quy định pháp luật hiện hành vẫn chưa quy định cụ thể những trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức vượt khung, trong khi đây là hành vi cực kỳ nguy hiểm:
“Cái này về mặt hành chính, tài chính cũng là một công cụ răn đe rất tốt. Tuy nhiên, đi vào phân tích sâu vào mức xử phạt như vậy, một số chuyên gia khuyến cáo như vậy cũng vẫn còn chưa hợp lý. Bởi vì một người uống 30, 40, thậm chí 50 cốc bia thì người ta cũng sẽ bị phạt ở mức trần cao nhất thôi. Trong khi đó những người đó cầm lái phương tiện cơ giới có kích thước, tốc độ lớn trên đường thì họ đặt ra những rủi ro, những nguy hiểm cực kỳ lớn cho cộng đồng”.
Đồng tình với đề xuất này, TS Phạm Việt Cường, Đại học y tế công cộng cho rằng. Các nghiên cứu xã hội học và quan sát thực tế đều cho thấy, đa số những người uống rượu bia đều tự điều khiển phương tiện về nhà. Do vậy, những hành vi vi phạm ở mức độ cao hoặc tái phạm cần được xử lý nghiêm minh hơn:
“Cũng nên phải tăng mức phạt, kể cả mức phạt cao như hình sự. Đặc biệt cho những người có mức vi phạm rất nặng và những người tái phạm. Như nước ngoài, anh vi phạm nhiều lần hoặc vi phạm rất nặng có thể phạt tù hoặc bắt buộc lao động công ích thì Việt Nam cũng nên có những hình phạt như vậy”, TS Phạm Việt Cường nêu ý kiến.
Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Văn phòng luật sư Phạm Danh (Hà Nội) cho rằng, để thực hiện được điều này, trước hết cần sửa đổi các quy định pháp luạt liên quan. Vì pháp luật hiện hành chưa quy định xử phạt hình sự với những trường hợp vi phạm nồng độ cồn:
“Theo quy định pháp luật hiện hành, người lái xe có sử dụng rượu bia mà nồng độ cồn vượt quá mức quy định chỉ bị xử lý hình sự khi đã gây ra tai nạn. Còn những người lái xe có vi phạm về nồng độ cồn, nhưng chưa gây tai nạn, chưa gây hậu quả thì chị bị xử phạt vi phạm hành chính”, Luật sư Phạm Thành Tài cho biết.
TS Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học Việt Đức cũng cho rằng, để xử lý hình sự những trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng, cần nghiên cứu, sửa đổi pháp luật hiện hành theo hướng hình sự hóa hành vi vi phạm:
“Theo kinh nghiệm quốc tế thì chúng ta cũng phải nghĩ đến lộ trình hình sự hóa hành vi này. Có thể không phải trong 5 năm tới, nhưng trong vài năm tới chúng ta phải chuẩn bị sẵn những nghiên cứu, những điều kiện cơ sở vật chất, thông tin truyền thông để tiến tới hình sự hóa hành vi này”, TS Vũ Anh Tuấn đề xuất.
Xử lý hình sự đối với vi phạm nồng độ cồn vượt khung là điều được dư luận đồng tình, do tính chất đặc biệt nguy hiểm của hành vi này và các hậu quả thảm khốc mà nó đã gây ra. Dưới góc nhìn của VOVGT, xử lý hình sự đối với các hành vi đặc biệt này là cần thiết, phù hợp với xu hướng thế giới, đồng thời đảm bảo tính nhân văn và hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm nguy cơ TNGT.